Thị trường đỏ thẫm sắc bi ai, một bức ảnh của "bà hoàng chứng khoán" Mai Phương Thúy khiến dân tình đồng cảm

03/04/2025 15:00 (GMT+7)

Ngày hôm nay (4/3), hội "chứng sĩ" được phen chao đảo khi thị trường chứng khoán ngập trong sắc đỏ, nhiều mã giảm giá, thậm chí giảm hết biên độ. Hiện đà giảm vẫn tiếp tục lan rộng toàn thị trường. VN-Index giảm gần 60 điểm, trong đó nhóm VN30 giảm gần 56 điểm. Sàn HoSE chỉ có 16 mã tăng, còn lại 479 mã đỏ rực, thanh khoản vượt 17.200 tỷ đồng.

Giữa muôn vàn tiếng than khóc của hội chứng sĩ vì tiền lũ lượt rủ nhau bay đi, "bà hoàng chứng khoán" Mai Phương Thúy cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Cô nàng đăng tải hình ảnh tài khoản giao dịch chứng khoán của mình ngập trong sắc đỏ, cùng với lời than thở: "Trời ơi, lâu không ngó bảng điện". Có thể thấy, nàng Hậu cũng không nằm ngoài cuộc chơi với các chứng sĩ bị cơn sóng thị trường nhấn chìm trong ngày hôm nay.

Thị trường đỏ thẫm sắc bi ai, một bức ảnh của

Nàng Hậu Mai Phương Thúy cũng phải than trời vì tài khoản chứng khoán ngập trong sắc đỏ

Cách đây 3 năm (tháng 4/2022), trong một cuộc phỏng vấn nhanh khi TTCK giảm điểm, Mai Phương Thúy từng khẳng định: "Ví dụ khi TTCK đi lên, bạn kiếm được 10 triệu, thì cũng có người kiếm được 100 triệu, 1 tỷ, 100 tỷ, thậm chí là cả tỷ đô trong 1 đợt chứng khoán lên. Thế nên khi thị trường đi xuống, những ông chủ lớn là người thiệt hại đầu tiên và nặng nhất, mà họ còn không kêu ca thì Thúy nghĩ các bạn cũng chẳng nên kêu ca làm gì".

Sau đó, Hoa hậu Việt Nam 2006 cũng đưa ra lời khuyên rằng để đồng tiền không làm chủ mình, bạn phải hiểu bản chất của nó, giống như ca sĩ lên sân khấu thì phải làm chủ được sân khấu. Hiểu được rồi thì bạn sẽ kiềm chế được lòng tham và nỗi sợ hãi của mình, không quá đau khi thị trường đi xuống và cũng không quá hào hứng khi thị trường đi lên.

"Thị trường xuống thì Thúy không thể kiếm được nhiều tiền như mình kỳ vọng, nhưng bảo là thiệt hại thì cũng không hẳn. Thế nên nó đúng là một trạng thái lửng lơ… Mình vẫn đi gội đầu, cắt tóc, ăn uống vui chơi xả láng chứ chẳng thấy có vấn đề gì" - Mai Phương Thúy chia sẻ về trạng thái của bản thân trong lần TTCK lao dốc vào tháng 4/2022. 

Cô cũng khẳng định việc dự đoán thị trường là hành động vô nghĩa: "Cái sai nhất trên đời này là đi dự đoán thị trường. Không ai có thể dự đoán đúng về thị trường nhưng nếu bạn dự đoán sai, bạn là người chịu thiệt, bạn nghi ngờ bản thân mình. Thế nên đừng nhìn thị trường mà hãy nhìn từ góc độ của doanh nghiệp. Dự đoán thị trường là một thú vui và nó sẽ nhân lên rất nhiều lần khi bạn dự đoán đúng 1 lần. Thế nên phải kiềm chế việc đó. Thúy không bao giờ dự đoán thị trường cả, việc đó rất vô ích".

Thị trường đỏ thẫm sắc bi ai, một bức ảnh của

Hoa hậu Mai Phương Thúy từng chia sẻ, khi thị trường giảm điểm, cô vẫn đi gội đầu, cắt tóc, ăn uống vui chơi xả láng chứ chẳng thấy có vấn đề gì

Lời khuyên dành cho nhà đầu tư F0 khi thị trường ngập trong sắc đỏ

Đầu tháng 4/2024, khi VN-Index cũng ngập trong sắc đỏ vì giảm 60 điểm, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với hai chuyên gia chứng khoán. Theo đó, với những nhà đầu tư (NĐT) có nhiều kiến thức và kinh nghiệm dự đoán biến động thị trường như hai chuyên gia - Chị Kim Liên và anh Gerard Do, việc giữ sự bình tĩnh và tỉnh táo khi thị trường đi xuống là hiển nhiên, không quá khó khăn. Nói cách khác, họ chính là những NĐT Fn với “cái đầu lạnh” - Một thái cực hoàn toàn khác với thế hệ F0 non nớt đang ngồi trên đống lửa suốt cả ngày hôm nay.

Thị trường đỏ thẫm sắc bi ai, một bức ảnh của

Hai chuyên gia chứng khoán: Chị Kim Liên và anh Gerard Do

Câu hỏi đặt ra: F0 nên làm gì lúc này, hay nói rộng hơn là nên làm gì khi thị trường biến động mạnh và đột ngột theo hướng không mấy tích cực?

Với thắc mắc ấy của chúng tôi, anh Gerard Do và chị Kim Liên đã có những lời khuyên như sau.

1 - Phải bình tĩnh để tự mình đưa ra nhận định về thị trường

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, những người đang có tiền nhàn rỗi và chưa bước chân vào thị trường, tôi nghĩ rằng lúc này họ nên giữ tiền.

Còn những người đã mua chứng khoán và đang bị “kẹt hàng”, tôi sẽ phân tích hoàn cảnh này theo 2 hướng sau.

Trường hợp 1: Họ mua chứng khoán bằng tiền nhàn rỗi, không phải tiền đi vay, tôi nghĩ không nên bán tháo.

Trường hợp 2: Họ mua chứng khoán bằng tiền đi vay, khả năng cao là họ đã bị margin call rồi, vì cũng không còn lựa chọn nào khác”.

Anh Gerard Do phân tích, đồng thời nhấn mạnh rằng những gì anh chia sẻ là nhận định cá nhân, vẫn có khả năng sai số.

“TTCK có thể sẽ có những đợt biến động lớn trong ngắn hạn, tùy biến động của tình hình thế giới. Có nhiều yếu tố chưa chắc chắn và không ai có thể khẳng định chắc chắn về một viễn cảnh nào đó sẽ xảy ra. Các NĐT nên tự nhìn nhận, đánh giá mức độ rủi ro của từng hoàn cảnh để đưa ra quyết định hợp lý” - Anh Gerard Do chia sẻ.

2 - Cần chuẩn bị cả tâm lý phòng thủ khi “ra trận”

Chị Kim Liên cho rằng việc giữ tư duy “chỉ tấn công” mà không “phòng thủ” là một trong những sai lầm khiến F0 khó vững tâm lý trong giai đoạn đầu, khi mới bước chân vào TTCK.

“Khi "ra trận", đừng chỉ nghĩ đến các phương án tấn công. Đây là thời điểm cần kế hoạch phòng thủ hơn bao giờ hết.

Điểm khác biệt của những NĐT chuyên nghiệp là tuân thủ được kỷ luật, từ đó giữ được hiệu quả đầu tư và tạo nên lợi thế lớn khi bước sang chu kỳ tiếp theo. Trong khi đó các NĐT nghiệp dư thường bị ảnh hưởng bởi cảm xúc chán nản, chỉ cần "buông bỏ" 1-2 phiên quan trọng như thế này, do không biết làm gì, dẫn đến hậu quả thiệt hại lớn về sau.

Còn cảm giác hoang mang, chao đảo chứng tỏ bạn chưa có kế hoạch đầu tư kĩ lưỡng. Lời khuyên của tôi là nên đứng ngoài thị trường quan sát 1 thời gian và học hỏi thêm, nếu vẫn đang cầm hàng thì nên canh bán. Bởi vấn đề không hẳn là thị trường tốt hay xấu, vấn đề là bạn chưa sẵn sàng ra trận” - Chị Kim Liên khẳng định.

3 - Không nên tách rời TTCK Việt Nam với tình hình thế giới

“TTCK Việt Nam không phải một hòn đảo giữa đại đương, mà là một trong nhiều nút thắt trong hệ thống tài chính toàn cầu. Bởi vậy, nếu tình hình thế giới có biến động, chắc chắn điều đó sẽ tác động tới TTCK Việt Nam.

Tác động này là ngắn hạn hay dài hạn còn phụ thuộc vào biến động của tình hình thế giới. Vì thế, các NĐT F0 không nên nhìn nhận TTCK Việt Nam như một thị trường độc lập, không chịu ảnh hưởng từ các sự kiện trên thế giới” - Anh Gerard đưa ra lời khuyên với các NĐT non trẻ.

Bài cùng chuyên mục