Máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air hôm 29/12 hạ cánh bằng bụng, trượt trên đường băng rồi đâm vào tường bê tông rìa sân bay Muan, tỉnh Jeolla Nam của Hàn Quốc. 179 trong tổng số 181 người trên máy bay đã thiệt mạng.
Sau thảm kịch, nhiều bài đăng cảnh báo từ các nhân viên Jeju Air trước đây đã được cộng đồng mạng chú ý trở lại. Tất cả hé lộ rủi ro tiềm ẩn các vấn đề an toàn ngay trong nội bộ hãng.
Theo báo cáo của Munhwa Ilbo ngày 30/12, các bài đăng trên một trang mạng ẩn danh dành cho người lao động đã chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến an toàn hàng không tại Jeju Air. Một nhân viên giấu tên đã viết vào tháng 2/2024: “Đừng đi Jeju Air. Hiện tại, động cơ liên tục gặp trục trặc. Không biết máy bay sẽ rơi lúc nào. Cả bảo trì, vận hành lẫn tài chính đều đang hỗn loạn”.
Một người khác viết: “Hiện tại, các nhân viên đều có xu hướng chuyển sang hãng hàng không khác. Do tiết kiệm chi phí bảo trì, động cơ đã ngừng hoạt động 4 lần trên không chỉ trong 1 năm. Đây là loại sự cố nghiêm trọng hiếm gặp trong toàn bộ lịch sử hoạt động”.
Đằng sau bài đăng, một kỹ thuật viên bảo trì lên tiếng phàn nàn về điều kiện làm việc khắc nghiệt: “Chúng tôi đang làm việc trên những chiếc máy bay nguy hiểm. Kỹ thuật viên bảo trì phải làm việc 13–14 tiếng, có khi chỉ được nghỉ ăn khoảng 20 phút. Khối lượng công việc cao hơn hẳn so với các hãng khác”.
Những lời cảnh báo từ nội bộ Jeju Air, nhìn lại sau thảm kịch, là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các hãng hàng không trong việc giám sát an toàn nghiêm ngặt. Theo Reuters, dữ liệu từ Bộ Giao thông cho thấy vụ tai nạn máy bay Jeju Air sáng 29/12 là thảm họa nghiêm trọng nhất liên quan đến một hãng hàng không Hàn Quốc trong vòng 3 thập niên.
Sau gần 20 năm phát triển, Jeju Air - định hướng phát triển thành hãng hàng không giá rẻ dành cho đại chúng và chủ yếu tập trung vào các chuyến bay nội địa ở Hàn Quốc - đã trở thành một trong những hãng hàng không lớn nhất xứ sở kim chi. Tính đến quý I/2024, tổng số nhân viên của Jeju Air là khoảng 3.000 người, tập trung khai thác chủ yếu tại sân bay quốc tế Gimpo, Incheon và Jeju.
Với trọng tâm giữ chi phí thấp, thường chỉ cung cấp một hạng ghế phổ thông với ít dịch vụ đi kèm, Jeju Air không ngừng mở rộng và phát triển khách hàng. Riêng năm 2023, hãng này đã vận chuyển 12,3 triệu hành khách cả trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi ngày có khoảng 217 chuyến bay với 62 chặng bay chính.
Được biết trước khi sự cố này xảy ra, Jeju Air là hãng bay chi phí thấp (LCC) được khách hàng ưa thích nhất Hàn Quốc nhiều năm liền. Theo Chỉ số hài lòng của khách hàng Quốc gia (NCSI) của Trung tâm Năng suất Hàn Quốc, 2023 là năm thứ 5 mà Jeju Air đứng vị trí thứ nhất kể từ năm 2018.
Tuy nhiên, việc tập trung duy trì chi phí hoạt động thấp nhất có thể vô hình chung khiến Jeju Air bỏ qua các quy tắc an toàn. Theo chia sẻ của các nhân viên giấu tên, hãng này tiết kiệm chi phí bảo trì nên rủi ro gặp sự cố về an toàn sẽ cao hơn.
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Giao thông cho biết máy bay Boeing 737-800 do Jeju Air khai thác được sản xuất vào năm 2009. Không có báo cáo về tình trạng bất thường khi máy bay rời sân bay Suvarnabhumi của Bangkok (Thái Lan), theo ông Kerati Kijmanawat, chủ tịch Công ty sân bay Thái Lan.
David Learmount, chuyên gia hàng đầu về an toàn hàng không ở Anh, nhận định cú va chạm cuối cùng giữa máy bay với bức tường gần đường băng là “thời khắc quyết định” trong thảm họa.
“Không có lý do chính đáng nào để bức tường xuất hiện ở đó. Tôi nghĩ xây dựng tường kiên cố tại vị trí này gần như có thể coi là hành vi phạm tội”, ông nêu quan điểm và cho rằng những người trên chuyến bay lẽ ra đã có nhiều cơ hội sống sót hơn, dù khi đó chiếc Boeing 737-800 không thể hạ được càng đáp và phải trượt bằng bụng với tốc độ cao.
Sau thảm họa, vô số các hành khách ban đầu có lịch bay với Jeju Air vội vàng hủy vé. Số lượng vé bị hủy lên tới khoảng 68.000 trong khoảng thời gian từ 12 giờ sáng ngày 29/12 đến 1 giờ chiều ngày 30/12 (giờ Hàn Quốc). Trong đó, khoảng 33.000 vé cho các chuyến bay nội địa Hàn Quốc và 34.000 vé cho các chuyến bay quốc tế.
Đây không phải lần đầu tiên Jeju Air gặp sự cố. Vào ngày 12/8/2007, chuyến bay 502 của hãng đã chệch khỏi đường băng tại Sân bay quốc tế Gimhae. May mắn, tất cả 74 hành khách và năm thành viên phi hành đoàn đều sống sót. Đến tháng 3/2022, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc đã dừng các chuyến bay của Jeju Air trong 27 ngày vì không tuân thủ giao thức an toàn.
Theo: Sky News, Reuters
Bài cùng chuyên mục
Cách bảo quản bưởi Diễn
Bưởi Diễn có thể để tới nửa năm mà vẫn giữ được hương vị tươi ngon và mọng nước nếu được bảo quản đúng cách, vì thế mà chúng ta có thể tích trữ để ăn Tết.
Cộng đồng mạng ngỡ ngàng trước hình ảnh mẹ con như chị em sinh đôi ở Thanh Hóa
Nhiều người ngỡ ngàng, dành lời khen sự trẻ trung của người mẹ sau khi tấm hình 2 mẹ con ở Thanh Hóa được đưa lên mạng xã hội.
Vụ người đàn ông bị đánh dã man ở Bình Dương: Người vợ suy sụp, đau đớn khi thấy chồng nằm bất động trên giường bệnh
Theo chia sẻ của chị Mến, nhìn cảnh người chồng vốn khỏe mạnh, giờ đây nằm bất động trên giường bệnh, đôi mắt anh B. mở nhưng tay chân không thể cử động khiến chị Mến suy sụp, đau đớn.
Mâm cỗ Tết xưa hiện đang "khuynh đảo" MXH khiến ai nhìn thấy cũng cay xè mắt, chi tiết nguyên liệu mới gây bất ngờ
Không chỉ có sự khéo léo, tinh tế và tận tâm, bộ bánh mâm cỗ Tết Bắc xưa còn mang theo cả tình yêu của thời gian và quá khứ, gợi lại vị Tết xưa mà bất cứ ai nhìn thấy cũng như được lấp đầy sự ấm áp khi ngày Tết Ất Tỵ đã cận kề.
Xót xa hình ảnh cuối cùng của bé trai 3 tuổi trên chuyến bay Jeju Air
Những hình ảnh trong chuyến đi Thái Lan vui vẻ trước đó của gia đình đã được bố của cậu bé chia sẻ trên trang cá nhân.
Bước vào tuổi 45 tôi đã nhận ra: Đây mới chính là 6 thứ quan trọng nhất cần phải từ bỏ
Siêng năng và tiết kiệm là điều tốt, nhưng việc tiết kiệm quá mức sẽ chỉ khiến chúng ta xa rời cuộc sống tinh tế, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và gây hại cho sức khỏe.