Tiết kiệm 1 tỷ đồng nhờ tiêu đúng cách, không phải sống keo kiệt

13/05/2025 21:04 (GMT+7)

Trong cuốn sách "Chậm mà giàu" có một câu khiến tôi tâm đắc đến tận bây giờ: "Dùng tốt thời gian và dùng đúng tiền bạc, chính là cách bạn tăng tài sản của mình".

Tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó. Trong hành trình tiết kiệm và làm giàu của mình, tôi nhận ra: Biết cách chi tiêu thông minh đôi khi còn quan trọng hơn cả việc dè sẻn từng đồng.

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ ba khoản chi tiêu mà tôi luôn sẵn sàng "móc ví" – và chính những lần tiêu tiền có chủ đích ấy đã giúp tôi từng bước tăng giá trị bản thân và tài sản thực tế.

Tôi tiết kiệm được 1 tỷ đồng giữa "làn sóng sa thải" không phải vì sống keo kiệt, mà vì biết cách làm điều này- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

1. Tôi sẵn sàng chi tiền cho sức khỏe – vì không có sức khỏe là mất trắng tất cả

Tết năm ngoái, một người họ hàng của tôi được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn cuối. Trước đó nửa năm, cô ấy đã cảm thấy đau tức ngực, nhưng chỉ đi châm cứu, uống thuốc Bắc cầm chừng. Đến khi nhập viện thì đã muộn. Gia đình cô thậm chí vẫn nghĩ đó chỉ là "vận đen" chứ không tin bệnh tật đến từ sự chủ quan.

Tôi thì khác. Tôi biết rằng nhiều bệnh nguy hiểm có thể âm thầm phát triển trong nhiều năm trước khi bộc phát – ung thư vú chẳng hạn, thường mất 5–6 năm để phát triển từ giai đoạn đầu. Vì thế, tôi không bao giờ tiếc tiền cho các gói khám sức khỏe định kỳ, tiêm vaccine, kiểm tra tổng quát mỗi 6–12 tháng.

Tôi cũng ưu tiên thực phẩm sạch, rau củ theo mùa, trái cây tươi mỗi ngày. Bên cạnh đó là duy trì tập thể dục nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc. Những điều tưởng đơn giản đó lại là cách tôi bảo vệ khoản tài sản lớn nhất – chính là thân thể mình.

2. Tôi đầu tư vào công cụ làm việc – vì mỗi giây trôi qua đều có thể tạo ra giá trị

Khi mới sinh con, tôi vừa làm mẹ, vừa ở nhà làm freelancer viết bài và sáng tác truyện thiếu nhi. Một công việc đều đặn, đòi hỏi tôi phải viết khoảng 4.000 chữ mỗi ngày, không được ngắt quãng.

Vậy mà đúng thời điểm quan trọng, máy tính của tôi lăn đùng ra hỏng. Kỹ thuật viên báo phải gửi về hãng, ít nhất một tuần mới sửa xong. Tôi không chần chừ – mua luôn máy tính mới.

Chiếc laptop đó đến giờ vẫn hoạt động tốt, và tôi đã viết hàng trăm ngàn chữ từ nó. Thu nhập mà tôi tạo ra từ chiếc máy ấy gấp mấy lần số tiền đã bỏ ra ban đầu. Công cụ làm việc tốt không phải là xa xỉ – nó là khoản đầu tư sinh lời.

Dù là máy tính, điện thoại, phần mềm hay không gian làm việc, tôi đều sẵn sàng chi tiền nếu nó giúp tôi tăng hiệu suất, tiết kiệm thời gian, hoặc mang lại cảm hứng làm việc dài lâu.

Tôi tiết kiệm được 1 tỷ đồng giữa "làn sóng sa thải" không phải vì sống keo kiệt, mà vì biết cách làm điều này- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

3. Tôi chi tiền cho tri thức – vì học tập là khoản đầu tư lãi dài nhất

Tôi từng nghe một blogger nói một câu rất hay: “Một quyển sách chỉ vài chục nghìn, nhưng chứa đựng kinh nghiệm cả đời của tác giả. Đó là khoản đầu tư rẻ nhất và lời nhất mà bạn có thể làm”.

Tôi cũng từng bỏ ra khoảng 150.000 đồng để mua bộ tổng hợp hơn 100 cuốn tóm tắt sách từ một blogger nổi tiếng. Mỗi ngày, tôi tranh thủ đọc lúc cho con ngủ, lúc rửa bát, trên xe buýt… chỉ sau hơn 2 tháng, tôi đã hoàn thành gần 80% số sách.

Tôi không khuyến khích bạn đổ tiền vào các khóa học đắt đỏ mà không tìm hiểu. Nhưng nếu biết mình thuộc tuýp người ham học và có thể ứng dụng kiến thức, thì chi tiêu cho học tập là một “khoản lời” không thể đong đếm được.

Không có thứ gì giúp bạn phát triển nhanh bằng kiến thức. Một kỹ năng mới có thể mở ra cơ hội công việc tốt hơn, một góc nhìn mới có thể thay đổi cả cách bạn quản lý tài chính. Và học, là thứ duy nhất không ai lấy đi được của bạn.

Có nhiều người tiết kiệm bằng cách thắt lưng buộc bụng đến mức bóp nghẹt chất lượng sống. Nhưng nếu biết TIÊU ĐÚNG – bạn sẽ không chỉ sống tốt hơn mà còn TIẾT KIỆM NHIỀU HƠN.

Tôi có thể tiết kiệm 1 tỷ không phải vì tôi keo kiệt, mà vì tôi hiểu: Tiêu tiền đúng chỗ – chính là cách làm giàu khôn ngoan nhất.

Bài cùng chuyên mục