Người phụ nữ bán phá lấu 30 năm, mua 3 căn nhà ở TP.HCM

29/03/2024 12:24 (GMT+7)

Từ 9 giờ sáng đến 21 giờ tối mỗi ngày, nếu ai đi vào hẻm 232/8 Bà Hạt, phường 9, quận 10 sẽ thấy xe phá lấu của dì Phương (63 tuổi, ngụ TP.HCM) đậu trước cửa nhà. Hình ảnh người phụ nữ dù tuổi đã lớn, nhưng vẫn còn rất vui vẻ và luôn niềm nở chào đón khách.

"Ăn phá lấu hả con, để xe đó dì dắt cho, vào ghế ngồi đi", đây có lẽ là câu nói quen thuộc của những thực khách nơi đây.

Người phụ nữ bán phá lấu 30 năm, mua 3 căn nhà ở TP.HCM - Ảnh 1.

30 năm bán phá lấu, mua 3 căn nhà Sài Gòn

Dì Phương chia sẻ, dì vừa mới chuyển sang nơi này bán vào năm 2021. Vốn trước kia, dì bán bên con hẻm nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận 3. Và nơi đó cũng là nơi mà dì Phương gây dựng sự nghiệp của mình và tích góp mua được 3 căn nhà ở quận 12 và quận 10.

Kể về câu chuyện bén duyên với nghề, dì Phương cho biết cơ duyên bắt đầu vào năm 29 tuổi. Sau lần đưa con đi học, dì thấy người ta bán phá lấu trước cổng trường, dì mua ăn thử thấy không hợp khẩu vị. Sau đó, dì Phương mua nguyên liệu về nhà tự mày mò công thức làm, rồi mời hàng xóm cùng thưởng thức.

"Lúc đó ai cũng khen ngon, rồi kêu dì bán phá lấu đi. Rồi dì bán từ lúc đó đến giờ luôn", dì Phương vui vẻ kể.

Người phụ nữ bán phá lấu 30 năm, mua 3 căn nhà ở TP.HCM - Ảnh 2.

Lúc đầu bán, đồ nghề của dì Phương chỉ có cái nồi, cái bàn và 1 công thức riêng tự mày mò. Lượng khách lúc đầu cũng chỉ những người xung quanh xóm đến ăn. Nhưng vì hương vị và chất lượng phá lấu của dì Phương ngon, nên mọi người cứ thế truyền tai nhau. Từ đó quán dì Phương càng được nhiều người biết đến.

"Lúc đó chỗ cô bán có 2 mét vuông, khách đông nên không có chỗ ngồi. Mà khách chấp nhận đứng chờ người này ăn xong, rồi mới tới lượt. Như vậy cô quý lắm, tại người ta không có bỏ mình", dì Phương tâm sự.

Người phụ nữ bán phá lấu 30 năm, mua 3 căn nhà ở TP.HCM - Ảnh 3.

Khác biệt từ bí-quyết-riêng tạo nên sự đặc biệt của món ăn

Nồi phá lấu của dì Phương lúc nào cũng có mùi thơm bay thoang thoảng và màu sắc bắt mắt. Cái này nằm ở bí-quyết-riêng. Hàng ngày dì Phương thức dậy từ sớm, ra chợ mua nguyên liệu, sau đó về nhà nấu phá lấu. 9 giờ dì bắt đầu nhận khách.

"Phá lấu của dì là luôn sạch, chất lượng và không dùng chất tạo màu. Hoàn toàn là màu tự nhiên", dì Phương tự hào "flex". Về cảm quan của người ăn, các nguyên liệu bên trong nồi phá lấu ở đây được lựa chọn kỹ lưỡng, không kiểu "có mùi".

Người phụ nữ bán phá lấu 30 năm, mua 3 căn nhà ở TP.HCM - Ảnh 4.

Mỗi phần phá lấu ở đây có giá từ 20 nghìn đồng - 35 nghìn đồng. Khách đến có thể ăn cùng bánh mì hoặc mì vắt. Đặc biệt, mì phá lấu tại quán dì Phương được xem là món-phải-ăn của quán và được khách gọi nhiều nhất. Món này đặc biệt ở cách dì Phương nêm nếm gia vị cho từng bát mì khách kêu - cái này cũng là bí quyết riêng. Bên cạnh đó, phá lấu dì Phương còn tạo được sự khác biệt ở phần nước chấm do chủ quán sáng tạo từ 3 nguyên liệu chính: tắc muối đường, tất nhiên cũng là bí-quyết-riêng. 

Ngoài sự thơm ngon của món phá lấu đã hơn 30 năm tuổi, phá lấu dì Phương còn hút khách bởi "cái nết" của chủ quán. 

"Nước đậm đà, phá lấu dai, dòn, gan thì béo, ngon khỏi chê. Ngồi vừa ăn nghe dì Phương tấu hài tiếu lâm cũng vui lắm. Mình ăn từ thời sinh viên năm 2007 khi còn ở Sài Gòn. Đến nay về quê làm việc rồi nhưng có dịp đi Sài Gòn vẫn ghé lại ăn", một thực khách chia sẻ.

Người phụ nữ bán phá lấu 30 năm, mua 3 căn nhà ở TP.HCM - Ảnh 6.

Hơn 30 năm trôi qua, đến nay dì Phương cũng đã chứng kiến nhiều câu chuyện của thực khách ghé ăn.

"Có người ăn từ năm lớp 6, nay đã lập gia đình rồi dẫn con đến ăn tiếp. Có người ăn từ nhỏ phá lấu của dì, mà họ phải đi nước Mỹ định cư. Nên xin dì dạy nấu để qua Mỹ thèm thì tự nấu ăn, nhưng mà luôn dặn dì là phải chỉ nấu sao ra đúng cái mùi vị của dì Phương mới chịu", dì Phương vui vẻ chia sẻ.

Cuộc đời dì Phương dường như gắn liền với xe phá lấu và cũng chính xe phá lấu ấy nuôi sống cả gia đình của dì. Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng dì vẫn giữ được sự vui vẻ lạc quan, tính tình thì vẫn chịu khó như ngày nào.

"Tính dì thiệt tình, có sau nói vậy. Dì vui vì được làm công việc mình thích. Dì không có nghĩ nhiều. Trời cho mạnh khỏe là dì vẫn làm, làm quài luôn…", dì Phương tâm sự.

Bài cùng chuyên mục