Theo cảnh báo từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày.
Tuy nhiên, đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
![Nhiều bệnh nhân cúm mùa ở miền Bắc bị biến chứng nặng vì chủ quan - Ảnh 1. Nhiều bệnh nhân cúm mùa ở miền Bắc bị biến chứng nặng vì chủ quan - Ảnh 1.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/5/cum-2142-3114-1738762375506-17387623802581761450745.jpg)
Bệnh nhân bị biến chứng nặng do cúm A điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Cúm mùa là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Cúm từng gây ra những trận đại dịch tàn khốc trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng trăm triệu người.
Ở Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, trong đó năm 2024 ghi nhận hơn 287.000 ca mắc, 8 ca tử vong. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm chính là viêm phổi. Virus cúm liên tục biến đổi, vì vậy tiêm vắc xin được cho là biện pháp dự phòng tốt nhất.
Nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng do cúm mùa
Mới đây Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã liên tiếp nhận các trường hợp mắc cúm mùa trong tình trạng nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Bệnh nhân L.V.T, 58 tuổi (Tuyên Quang) bị tăng huyết áp nhẹ nhưng không duy trì việc dùng thuốc đều đặn, có tiền sử hút thuốc hàng chục năm. Khoảng ba tuần trước khi nhập viện, ông T. xuất hiện các triệu chứng ho, sốt và khó thở nên tự điều trị tại nhà trong suốt một tuần nhưng tình trạng không cải thiện.
Kết quả xét nghiệm tại cơ sở y tế cho thấy ông T. mắc cúm A. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng khó thở trầm trọng, suy hô hấp nặng và phải đặt ống nội khí quản. Sau bốn ngày bệnh nhân hết sốt. Nhưng ba ngày gần đây, sốt cao đã tái phát, xét nghiệm dịch phế quản phát hiện vi khuẩn, khiến bệnh diễn tiến nhanh chóng và sốc nhiễm trùng.
![Nhiều bệnh nhân cúm mùa ở miền Bắc bị biến chứng nặng vì chủ quan - Ảnh 3. Nhiều bệnh nhân cúm mùa ở miền Bắc bị biến chứng nặng vì chủ quan - Ảnh 3.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/5/cum-mua-3258-4863-1738762382481-1738762382969676309545.jpg)
Bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chăm sóc bệnh nhân cúm A nặng
Tình trạng suy hô hấp không cải thiện, bác sĩ chỉ định đặt ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) mới giúp các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân T. tạm thời ổn định nhưng tình trạng sốc và nhiễm trùng nặng vẫn cần theo dõi chặt chẽ.
Một trường hợp khác là ông T.V., 62 tuổi (Quảng Ninh) có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính 7 năm nhưng việc kiểm soát bệnh lý không tốt. Bệnh nhân ít đi khám định kỳ, không theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên. Chỉ trong một năm qua, bệnh nhân đã phải nhập viện khoảng 5 lần do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Trước khi nhập viện khoảng 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở tăng dần. Bệnh nhân được đưa vào điều trị tại cơ sở y tế 2 ngày, nhưng tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng hơn, buộc phải đặt ống nội khí quản. Sau khi có kết quả xét nghiệm cúm A dương tính, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Cần thiết phát hiện và điều trị sớm
Tại Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), bệnh nhân trong tình trạng đã đặt ống nội khí quản do suy hô hấp nặng. Sau 2 tuần điều trị, tiên lượng của bệnh nhân vẫn rất nặng. Hiện tại, bệnh nhân vẫn phải duy trì đặt ống nội khí quản và ăn qua sonde dạ dày do không thể tự ăn.
Bác sĩ Võ Đức Linh, Trung tâm Hồi sức tích cực cho biết cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính. Vì thế người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần đi khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa để điều chỉnh thuốc phù hợp.
Theo Th.s bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương): “Những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí tử vong.
Với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị sẽ rất khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng”.
Bài cùng chuyên mục
Dịch cúm mùa bùng phát tại Nhật Bản: 9,5 Triệu ca mắc
Theo Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ 2/9/2024 đến 26/1/2025 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Đợt bùng phát dịch này chủ yếu do cúm A gây ra.
Cảnh báo từ cúm A: Đừng chủ quan , nguy cơ phổi trắng đáng sợ
Bệnh cúm không đơn giản chỉ là "sốt vài ngày, uống vài viên thuốc là khỏi" như nhiều người vẫn nghĩ. Cúm có vẻ nhẹ, nhưng thực tế không thể chủ quan.
Nhiều bệnh nhân cúm mùa ở miền Bắc gặp biến chứng nặng
Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, hiện là thời điểm các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp có nguy cơ bùng phát, trong đó có cúm mùa (cúm A và cúm B). Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ, không đi khám sớm. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị khó khăn.
Bộ Y tế Cảnh báo dịch cúm mùa đang lan rộng tại Nhật Bản và thế giới
Chiều 5/2, Bộ Y tế cho biết Hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại Việt Nam ghi nhận các thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản cho thấy theo dữ liệu công bố (ngày 31/1) của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ 2/9/2024 đến 26/1/2025 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa.
Bệnh viện Hà Nội tiếp nhận nhiều ca cúm nặng, cảnh báo biến chứng nguy hiểm
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm. Một trong số đó đang phải đặt ECMO.
Loại hạt "vàng mười" đang lên ngôi ở Việt Nam, ăn vào ngon bùi lại bổ đủ đường
Hạt điều, với hương vị thơm ngon, béo ngậy, đã trở thành món ăn vặt được ưa chuộng ở Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng, ẩn chứa bên trong lớp vỏ cứng cáp ấy là một "kho báu dinh dưỡng" với vô vàn lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.