"May mà bố mẹ con không bỏ nhau": Câu nói của cậu con trai khiến người mẹ tự hỏi, đứa trẻ không sống cùng bố mẹ sẽ mang tâm trạng gì đến trường?

15/07/2025 14:00 (GMT+7)

Chiều hôm trước, lúc gần kết thúc năm học, tôi đến đón cậu con trai học lớp 5 đi học về. Về đến nhà, thằng bé vừa mở cặp vừa kể lể như bao nhiêu ngày khác. Thằng nhóc nhà tôi là đứa hoạt ngôn, nó quan sát mọi thứ và thích kể lể lại mọi việc nó nhìn thấy trong ngày.

Thú thực là đôi khi tôi cũng chẳng nghe thủng câu chuyện của nó đâu nhưng riêng hôm ấy, tôi phải dừng cả việc cắm cơm dở để nghe hết câu chuyện.

- Mẹ ơi, hôm nay bạn Hiếu bị đau bụng giữa giờ. Cô giáo phải gọi về nhà, xong rồi ông bà bạn ấy đến đón. Mấy bạn trong lớp hỏi sao bố mẹ ấy không đến, thế là bạn Hiếu tự nhiên khóc luôn.

Nghe đến đây thì tôi cũng hiểu nhưng vẫn muốn nghe nốt câu chuyện mà con đang kể.

- Xong rồi lúc bạn ấy về với ông bà rồi thì cô giáo mới bảo là lần sau bọn con không được hỏi như thế. Bố mẹ bạn Hiếu không ở với nhau nữa rồi nên hỏi thế bạn ấy sẽ buồn. Tức là bố mẹ bạn Hiếu bỏ nhau rồi đúng không mẹ?

Tôi cũng chỉ gật đầu, chưa biết phải nói tiếp thế nào.

Thằng bé nói xong, quay sang tôi, thở phào một cái và bảo:

- May mà bố mẹ con không bỏ nhau.

Tôi giật mình. Thằng bé nhà tôi so với các bạn thì có phần hơi trẻ con hơn, có lẽ vì nó ít có va chạm với những khía cạnh khắc nghiệt của cuộc sống. Thằng bé rất tự lập, có thể làm mọi việc mà không cần bố mẹ hỗ trợ, nhưng cũng có thể mất tinh thần cả ngày chỉ vì tôi quyết định mang bé mèo gia đình nuôi 4 năm nay sang gửi chú của nó nuôi hộ.

Tôi nhận ra, đứa trẻ này nhà tôi dường như rất sợ sự xa cách. Có lẽ bởi vậy mà nó mới nói rằng mình thật may mắn vì được sống cùng với cả bố lẫn mẹ.

Với người lớn, chuyện bố mẹ ly hôn có thể là giải pháp sau cùng để cả hai được sống thoải mái hơn. Nhưng với một đứa trẻ sự vắng mặt của bố hoặc mẹ nơi cổng trường, trong những lúc con đau ốm hay cần một vòng tay quen thuộc là vết khuyết khó lành.

Trẻ nhỏ không có đủ ngôn ngữ để diễn đạt, nhưng cảm xúc mất mát lại hiện rõ trên khuôn mặt, ánh mắt và… giọt nước mắt không kìm được giữa lớp học.

Vậy, có bao giờ người lớn tự hỏi, đứa trẻ sống trong hoàn cảnh đó, khi đi học, khi đến trường lớp sẽ mang tâm trạng, cảm xúc như thế nào?

Tâm lý của trẻ không sống cùng bố mẹ khi ở trường lớp

Dưới góc độ tâm lý học lứa tuổi, những đứa trẻ sống trong gia đình đổ vỡ thường mang theo những cảm xúc đặc trưng sau đây:

1. Cảm giác bị bỏ rơi

Trẻ thường thắc mắc. “Vì sao bố/mẹ không ở đây?”. “Là tại con không ngoan à?”

Trong tiềm thức, trẻ tự nhận lỗi về mình, cảm thấy mình không đủ tốt để giữ bố mẹ lại với nhau.

2. Xấu hổ và mặc cảm với bạn bè

Khi các bạn được bố mẹ dắt tay đi học, đi đón về, trẻ sẽ so sánh và cảm thấy bản thân khác biệt.

Những câu hỏi vô tình của bạn bè như “Sao bố/mẹ bạn không tới?” có thể khiến trẻ tổn thương sâu sắc, dù người hỏi không có ý xấu.

3. Trường lớp trở thành nơi chông chênh

Trường học không chỉ là nơi học kiến thức  mà là nơi trẻ tập quan sát, so sánh, và tự định vị mình giữa bạn bè đồng trang lứa. Với những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn, trường lớp đôi khi là nơi chúng cảm thấy cô đơn nhất dù xung quanh có rất nhiều người.

4. Tự ti và thu mình trong các hoạt động tập thể

Trẻ có thể tránh né các dịp cần phụ huynh tham gia, như biểu diễn văn nghệ, đi dã ngoại, họp mặt gia đình tại lớp…

Không phải vì lười – mà vì sợ cảm giác “có một mình” giữa bạn bè có cả bố mẹ kề bên.

5. Rối loạn cảm xúc

Nếu bố mẹ ly hôn không êm đẹp, trẻ sẽ phải chịu sức ép tâm lý giữa hai bên: Không dám thân với người này vì sợ người kia buồn.

Khi đến trường, trẻ dễ bị rối loạn cảm xúc, thiếu tập trung, hay nổi nóng hoặc trầm lặng bất thường – vì trong đầu luôn có cuộc chiến ngầm.

Đứa trẻ cần gì khi đến trường lớp mà không có cả bố mẹ bên cạnh?

Cần được thầy cô và bạn bè thấu hiểu, không hỏi những điều riêng tư một cách vô tư thái quá.

Cần một người lớn bên cạnh đồng hành ổn định, dù là bố, mẹ, ông bà, để tạo cảm giác an toàn.

Cần sự đồng thuận, văn minh từ cả bố và mẹ, dù không còn sống cùng nhau để trẻ không phải mang gánh nặng “gắn kết người lớn”..

Bài cùng chuyên mục