Danh sách 13 loại mỹ phẩm trong đường dây làm giả vừa bị triệt phá, ai đã mua sử dụng cần ngừng ngay!

09/05/2025 12:36 (GMT+7)

Làm giả sản phẩm “best-seller” trên mạng

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt đường dây, kho hàng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc được được cơ quan chức năng triệt phá khiến người tiêu dùng, đặc biệt là chị em phụ nữ, không khỏi hoang mang. Mới đây, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt quả tang một đường dây sản xuất mỹ phẩm giả với quy mô "khủng", trong đó nhiều sản phẩm như serum trị mụn, kem dưỡng, lăn khử mùi đang được bán nhan nhản trên các sàn Shopee, TikTok. Đáng lo ngại, hàng trăm nghìn chai mỹ phẩm độc hại này có thể đã đến tay người tiêu dùng!

Danh sách 13 loại mỹ phẩm trong đường dây làm giả vừa bị triệt phá, ai đã mua sử dụng cần ngừng ngay!- Ảnh 1.

Tem nhãn giả các sản phẩm đang được bán chạy trên thị trường

Theo đó, vào ngày 7/5/2025, tại thôn Lải, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công an xã Đại Lâm và Đội Quản lý thị trường số 4 đã bắt quả tang Nguyễn Văn Khánh (SN 1996) và Nguyễn Thị Hiên (SN 2003) đang sản xuất, đóng gói mỹ phẩm giả tại nhà.

2.468 sản phẩm thành phẩm thuộc 13 loại mỹ phẩm giả, bao gồm các sản phẩm “hot hit” như: Serum trị mụn Demi Skin 3 days, SEIMY Skin 7 days plus, KT’skin serum, lăn khử mùi STOPIREX, Sạch hôi nách Cú đấm thép, Khử mùi hôi nách Hải Sen, Xịt khử mùi BEUFRES, Nước cất phèn chua ALUFAN, INOD Armpit Serum, Crystal 24 Hour, cùng kem tẩy trang và dưỡng da.

104.000 tem chống hàng giả và nhãn mác giả, gần 10.000 chai lọ, hàng triệu vỏ bao bì, và 300 kg nguyên liệu chủ yếu là phèn chua cùng dung dịch không rõ nguồn gốc. Cùng với đó là các thiết bị sản xuất như máy co màng, máy dập date.

Danh sách 13 loại mỹ phẩm trong đường dây làm giả vừa bị triệt phá, ai đã mua sử dụng cần ngừng ngay!- Ảnh 2.

Mỹ phẩm giả được Nguyễn Văn Khánh sản xuất để tung ra thị trường

Vụ việc gây sốc bởi quy mô lớn và mức độ tinh vi, khi các sản phẩm giả được sản xuất ngay tại một ngôi nhà dân dụng nhưng lại tiêu thụ khắp cả nước qua các sàn thương mại điện tử.

Thủ đoạn cực tinh vi

Qua điều tra, từ cuối năm 2024, Nguyễn Văn Khánh nhận thấy nhu cầu cao về mỹ phẩm trị mụn và khử mùi, nên đã lên kế hoạch sản xuất hàng giả để trục lợi. Khánh nghiên cứu các sản phẩm “best-seller” trên mạng sau đó đặt in tem nhãn giả của những nhãn hiệu này và mua nguyên liệu trôi nổi như phèn chua, dung dịch pha chế không rõ xuất xứ để sản xuất sản phẩm giả mạo.

Danh sách 13 loại mỹ phẩm trong đường dây làm giả vừa bị triệt phá, ai đã mua sử dụng cần ngừng ngay!- Ảnh 3.

Các dụng cụ và dung dịch để pha chế, sản xuất mỹ phẩm giả.

Đáng chú ý, đường dây này hoạt động cực kỳ tinh vi. Các đối tượng lập nhiều tài khoản ảo trên các sàn thương mại điện tử như Shopee (“Bn Store 2024”, “Bibo Comesticc”, “Nhungnguyen010798”, “Vliwwfo6-r”) và TikTok (“Sare Comesticc”, “Coca Beauty”), với lời quảng cáo “trị mụn thần tốc” hay “khử mùi vĩnh viễn” để tiếp cận khách hàng. Khi có người mua thì gửi bán qua dịch vụ ship COD.

Đáng lo ngại, từ cuối năm 2024 đến nay, các đối tượng đã bán thành công hơn 100.000 đơn hàng, thu về hơn 6 tỷ đồng. Nhiều chị em phụ nữ, đặc biệt là giới trẻ, đã tin tưởng mua các sản phẩm này, không hề biết rằng có thể đã mua phải hàng giả.

Vụ việc lần này không phải là trường hợp cá biệt. Từ đầu năm 2025, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố 6 vụ án liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả, từ thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật đến mỹ phẩm.

Trước thực trạng trên, Cơ quan Công an tỉnh Bắc Giang khuyến cáo nếu phát hiện sản phẩm nghi ngờ là hàng giả, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng qua địa chỉ: Phòng Cảnh sát Kinh tế, Lô Q5, đường Hoàng Văn Thụ, TP. Bắc Giang, hoặc số điện thoại 069.2589.177.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đang mở rộng điều tra để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan và truy tìm các kênh phân phối khác của đường dây này.

Danh sách 13 loại mỹ phẩm trong đường dây làm giả vừa bị triệt phá, ai đã mua sử dụng cần ngừng ngay!- Ảnh 4.

Kiểm tra ngay giỏ hàng

Các sản phẩm giả như Serum trị mụn Demi Skin 3 days, SEIMY Skin 7 days plus, hay lăn khử mùi STOPIREX trong vụ việc trên sử dụng nguyên liệu không qua kiểm định, chủ yếu là phèn chua và dung dịch không rõ nguồn gốc.

Theo các chuyên gia da liễu, việc sử dụng mỹ phẩm giả có thể dẫn đến: Kích ứng da nghiêm trọng như mẩn đỏ, ngứa, viêm nhiễm, đặc biệt nguy hiểm với làn da nhạy cảm. Ngoài ra còn có thể gây tổn thương da vĩnh viễn như sẹo, thâm nám, hoặc phá hủy hàng rào bảo vệ da hay nhiễm trùng do sản phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể chứa vi khuẩn.

Đáng nói những sản phẩm này từng được quảng cáo rầm rộ trên Shopee, TikTok. Chính vì vậy, những cái tên như Serum trị mụn Demi Skin, SEIMY Skin, hay lăn khử mùi STOPIREX có thể đã nằm trong giỏ hàng của bạn.

Trong bối cảnh hàng giả đang hoành hành, người tiêu dùng cần tỉnh táo, kiểm tra kỹ nguồn gốc sản phẩm và ưu tiên các kênh mua sắm uy tín để bảo vệ sức khỏe và làn da của chính mình. Bạn đã từng mua những sản phẩm này chưa? Hãy kiểm tra ngay để tránh rủi ro!

Bài cùng chuyên mục